Chùa cổ Liên Hoa Tự

Chùa cổ Liên Hoa Tự là một sự kết hợp hài hoà giữa phong cách kiến trúc của các ngôi chùa tại miền Bắc và miền Trung, tạo nên sự độc đáo và đa dạng của ngôi chùa cổ tại khu du lịch sinh thái Suối Lương – Hai Van Park

Chùa cổ Liên Hoa Tự

Từ Huế vào Đà Nẵng, vừa ra khỏi hầm Hải Vân, nhìn về phía tay trái chúng ta sẽ thấy một ngôi chùa nhỏ nằm trên sườn núi giữa bốn bề cây cỏ trùng điệp. Chùa có màu vàng nhạt, nhẹ nhàng thanh thoát nổi lên giữa lưng chừng xanh biết của mây trời Hải Vân. Một ngôi chùa nhỏ chỉ mới mọc lên cách đây không lâu, rất nhiều người ngạc nhiên khi nhìn thấy nó, vì nó hơi mới lạ đối với những người thỉnh thoảng đi ngang qua đây. Đó là chùa Liên Hoa.

Chùa được xây dựng vào khoảng cuối năm 2003, lịch sử và kiến trúc của ngôi chùa này là một điều khá thú vị cho những ai đã từng đặt chân đến đó. Ngôi chùa ra đời trên cơ sở mục đích làm mô hình văn hoá nhà Chùa trong khuôn viên khu Du lịch Suối Lương, phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Nguyên ngôi chùa là một khối kiến trúc cổ bằng gỗ được chuyển từ miền Bắc vào mà trước đó, nó đã tồn tại hơn 100 năm trên đất Hà Tây. Chùa được dựng lại trên một dốc sườn ở phía Nam ngọn Hải Vân sơn, cách miệng hầm Hải Vân khoảng 1km đường chim bay. Phong cảnh nơi đây khá hữu tình, phía trước là con suối Lương thơ mộng, đằng sau là đỉnh Hải Vân sừng sững một màu xanh hùng vĩ quyện trong khói mây của đất trời. Chùa tuy nhỏ, nhưng nhìn từ xa vẫn thấy được phong thái của ngôi chùa cổ.

Chùa cổ Liên Hoa Tự

Kết cấu kiến trúc này theo lối điển hình chùa ở miền Bắc, có bốn cột to ở giữa, tạo thành bộ vì theo kiểu giá chiêng gồm một câu đầu tỳ lực lên hai đầu cột cái. Các cột cái nối với nhau bằng những câu đầu to trên đỉnh, các cột quân nối với cột cái bằng xà nách. Bên trên câu đầu, có gắn một bộ phận gọi là giá chiêng, bộ phận này gồm hai trụ chống đỡ một bộ phận nối gọi là bụng lợn. Các bộ khung giá chiêng có tác dụng giữ cho con chồng hai bên vững chắc và góp phần chống đỡ mái. Ở giữa khung giá chiêng có lắp thêm ván bưng trang trí. Từ cột cái nối với cột quân có xà nách nằm ngang, bên trên là các con rường chồng lên nhau qua các đấu kê. Từ cột quân ra ngoài hiên, đầu bẩy được chúc xuống theo độ dốc mái. Phía trên xà nách ngang và dọc có những bức cốn hình vuông là nơi hội tụ tinh hoa trang trí của toàn bộ ngôi chùa. Giữa hai cột cái có trang trí rèm điêu khắc bằng gỗ sơn thiếp tạo nên nét cổ điển trong cách trang trí nội điện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *